Nguồn gốc địa danh Ninh_Kiều

Đại lộ Hòa Bình trên địa bàn quận Ninh Kiều

Trận Ninh Kiều là một trận thắng lẫy lừng của nghĩa quân Lam Sơn diễn ra năm 1426, còn gọi là trận Chúc Động. Ninh Kiều là chiếc cầu bắc qua sông Ninh Giang (sông Đáy), khi quân Minh tháo chạy qua sông, nghĩa quân Lam Sơn đã tập kích và chặt đứt cầu, quân Minh chết đuối làm nghẽn cả một khúc sông. Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi có nhắc đến sự kiện này trong câu:

Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm

Ninh Kiều ngày ấy nay là thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Năm 1957, Tỉnh trưởng tỉnh Phong Dinh (tên gọi khác của tỉnh Cần Thơ trong giai đoạn 1956-1975) thời Đệ nhất Cộng Hoà của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, ông Đỗ Văn Chước đã cho lập nơi bến sông này một công viên cây kiểng và bến dạo mát.

Do đề xuất của ông Ngô Văn Tâm, Trưởng ty Nông nghiệp, đồng thời phụ trách đoàn Thanh Niên 4T (tức Khuyến Nông), ông Đỗ Văn Chước đã đệ trình lên Tổng thống Ngô Đình Diệm xin đặt tên công viên và bến là Ninh Kiều. Ông đã dựa vào lịch sử Việt Nam, lấy tên một địa danh lịch sử chiến thắng quân Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi thống lãnh. Trận đánh diễn ra vào ngày 12 tháng 8 năm Bính Ngọ (tức ngày 13 tháng 9 năm 1426), khi nghĩa quân Lam Sơn tiến quân ra Bắc, Đô Bí Lý Triển và Trịnh Khả mai phục giặc ở Ninh Kiều và đã chiến thắng hoàn toàn, tiêu diệt trên 2000 quân Minh. Tướng giặc là Trần Trí phải tháo chạy về Đông Quan (Hà Nội ngày nay) chờ quân cứu viện..

Ngày 4 tháng 8 năm 1958, ông Lâm Lễ Trinh, người quê quán Cái Răng (Cần Thơ), Bộ trưởng Nội vụ thời Đệ nhất Cộng Hoà, đã từ Sài Gòn xuống Cần Thơ dự lễ cắt băng khánh thành, đọc Nghị định đặt tên công viên và bến Ninh Kiều theo đề nghị của ông Đỗ Văn Chước. Đến nay, quanh khu vực bến được đổi tên thành quận Ninh Kiều. Bến Ninh Kiều trở thành một điểm nhấn du lịch của Cần Thơ.